Chiều 18-9, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.
Ông Đỗ Thắng Hải nhận túi quà 50.000 USD tại phòng làm việc
Theo cáo trạng, tháng 6-2021, giấy phép kinh doanh xăng dầu của Công ty Xuyên Việt Oil được Bộ Công Thương cấp chuẩn bị hết hạn.
Do không đủ điều kiện để được cấp lại giấy phép, bà Mai Thị Hồng Hạnh, giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Xuyên Việt Oil, đã liên hệ với ông Đỗ Thắng Hải để "nhờ giúp đỡ".
Ông Hải đồng ý, giới thiệu bà Hạnh liên hệ với cấp dưới của mình là Hoàng Anh Tuấn (cựu vụ phó Vụ Thị trường trong nước) để được hướng dẫn cụ thể.
Đồng thời, cựu thứ trưởng cũng gọi điện chỉ đạo ông Tuấn sớm xem xét, giải quyết hồ sơ xin cấp lại giấy phép của Xuyên Việt Oil.
Qua giới thiệu của ông Đỗ Thắng Hải, bà Hạnh liên lạc với Tuấn xin cấp lại giấy phép kinh doanh xăng dầu cho Công ty Xuyên Việt Oil. Tuấn sau đó báo cáo việc này cho vụ trưởng Trần Duy Đông, cả hai cùng thống nhất tạo điều kiện giúp Xuyên Việt Oil.
Khi được nhóm cán bộ Bộ Công Thương đồng ý giúp, nữ giám đốc Xuyên Việt Oil đã chỉ đạo lái xe đưa 10.000 USD cho Nguyễn Văn Thắng (phó giám đốc chi nhánh Hà Nội Xuyên Việt Oil) gặp và gửi quà cho vụ phó Tuấn.
Tuy nhiên khi gặp nhau, Thắng chỉ đưa 5.000 USD cho Tuấn, giữ lại một nửa và đưa vào quỹ công ty chi nhánh Hà Nội.
Cơ quan truy tố cáo buộc, sau khi được giúp đỡ tạo điều kiện cấp lại giấy phép kinh doanh, nữ giám đốc của Xuyên Việt Oil đã đến Bộ Công Thương gặp cựu thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, đưa túi quà đựng 50.000 USD "cảm ơn".
Cựu vụ phó bán đồng hồ Patek Philippe được 23.000 USD
Theo cáo trạng, từ thời điểm năm 2016, bà Hạnh còn hối lộ ông Nguyễn Lộc An (cựu vụ phó Vụ Thị trường trong nước) để được giúp đỡ cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu khi Xuyên Việt Oil không đủ điều kiện.
Cụ thể, tháng 1-2016, bà Hạnh làm quen với ông An thông qua quan hệ xã hội. Trong một cuộc gặp tại TP.HCM, bà Hạnh đề nghị vụ phó giúp đỡ giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho Xuyên Việt Oil, do còn thiếu một số điều kiện.
Cựu vụ phó Nguyễn Lộc An - Ảnh: Bộ Công an
Ông An đồng ý với đề nghị trên và cho biết "chi phí phải chi theo mặt bằng chung 5 - 7 tỉ đồng". Đồng thời, bà Hạnh phải hợp thức hóa các điều kiện cấp phép còn thiếu và nộp hồ sơ đến Bộ Công Thương để ông xử lý. Tại lần gặp này, bà Hạnh "gửi quà" ông An 50 triệu đồng.
Tiếp sau đó, bà Hạnh gặp ông An và đưa 100 triệu đồng. Sau khi đưa tiền cho ông An và hợp thức hồ sơ để đủ điều kiện, bà Hạnh gửi đơn đề nghị Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho Công ty Xuyên Việt Oil.
Khi ông An dẫn đầu đoàn kiểm tra thực tế điều kiện để cấp giấy phép cho Xuyên Việt Oil, bà Hạnh còn 2 lần đưa tiền cho cựu vụ phó tổng 250 triệu đồng.
Sau khi Xuyên Việt Oil được cấp phép, khoảng tháng 7-2017 ông An vào TP.HCM công tác. Để cảm ơn vì được tạo điều kiện giúp xin giấy phép, bà Hạnh mời vụ phó đến nhà ăn tối với lý do "chúc mừng sinh nhật muộn". Quà bà Hạnh tặng ông An là một đồng hồ Patek Philippe.
Cựu vụ phó Nguyễn Lộc An khai bán đồng hồ Patek Philippe được 23.000 USD. Ông An bị cáo buộc 4 lần nhận hối lộ, tổng số tiền và tài sản là hơn 921 triệu đồng.
Sáng 25/11, TAND TPHCM tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.
Mở đầu phiên tòa, HĐXX cho biết vừa nhận được văn bản của một số tổ chức, cá nhân liên quan tới những khoản nợ của Công ty Xuyên Việt Oil.
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Xuyên Việt Oil) xác nhận những khoản nợ với Công ty xăng dầu quân đội và đề nghị được giải quyết trong vụ án này.
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Ngoài ra, bà chủ Xuyên Việt Oil xác nhận đang nợ tiền của nhiều cá nhân, tổ chức khác. Bà Hạnh nói: "Bị cáo đang bị tạm giam. Công ty của tôi cũng đang gặp khó khăn, nếu tách ra xử lý bằng một vụ án dân sự khác thì sẽ kéo dài, xin HĐXX xử lý các vấn đề công nợ trong vụ án hình sự này".
Sau khi HĐXX xét hỏi bổ sung, đại diện cơ quan công tố phát biểu quan điểm xử lý vụ án.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án, diễn biến tại tòa, VKS xác định có đủ căn cứ xác định bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh là người đại diện theo pháp luật, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty Xuyên Việt Oil.
Quá trình điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu tại công ty, lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, bà Hạnh đã vi phạm các quy định về sử dụng Quỹ bình ổn giá và tiền thuế bảo vệ môi trường gây thất thoát tài sản Nhà nước 1.463 tỷ đồng. Trong đó, thất thoát từ quỹ Bình ổn giá là 219 tỷ đồng, thất thoát từ thuế bảo vệ môi trường là 1.244 tỷ đồng.
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Cụ thể, bà Hạnh không chỉ đạo nhân viên trích lập Quỹ Bình ổn giá theo quy định mà chỉ đạo cấp dưới chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Sau đó, nữ bị cáo dùng tiền này để mua, cho bạn bè vay mượn, chi tiêu cá nhân, đưa hối lộ cho một số cá nhân tại Bộ Công Thương.
Đối với việc thu hộ, quản lý và chuyển nộp tiền thuế bảo vệ, bà Hạnh cố ý sử dụng số tiền thu hộ vào các mục đích cá nhân mà không nộp tiền chuyển vào ngân sách Nhà nước.
Ngoài hành vi trên, đại diện cơ quan công tố xác định bà Hạnh đã 22 lần đưa hối lộ cho nhiều cán bộ, công chức với số tiền hơn 31,6 tỷ đồng.
Trong đó, ông Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương) nhận 1,1 tỷ đồng để giúp cho Công ty Xuyên Việt Oil.
Bị cáo Đỗ Thắng Hải tại tòa (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Còn ông Lê Đức Thọ (cựu Bí thư tỉnh Bến Tre) nhận hối lộ hơn 13,8 tỷ đồng. Người đàn ông này còn bị cáo buộc có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi hơn 22 tỷ đồng.
Bị cáo Hoàng Anh Tuấn (cựu phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương) đã nhiều lần nhận hối lộ từ phía Công ty Xuyên Việt Oil với số tiền gần 6 tỷ đồng. Những đồng phạm còn lại bị cáo buộc có hành vi Đưa, nhận hối lộ.
Tại tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo buộc và nộp lại một phần tiền thu lợi bất chính để khắc phục hậu quả.
Bị cáo Hạnh khai mình là người chủ động làm quen, tìm gặp để đưa hối lộ cho các bị cáo trong vụ án. Đồng thời, người phụ nữ này đồng ý dùng các tài sản hiện có để khắc phục hậu quả trong vụ án.
"Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, số tiền đưa, nhận hối lộ lớn, gây bức xúc trong dư luận xã hội, những bị cáo phạm tội nhận hối lộ là những người có chức vụ lớn nên cần có mức án nghiêm khắc", đại diện VKS luận tội.
Các bị cáo trong vụ án (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Đại diện VKS xác định hành vi của bị cáo Hạnh là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, gây thất thoát tài sản rất lớn, số tiền hối lộ rất lớn. Sau khi phạm tội, bà Hạnh khắc phục được một phần nhỏ, không đáng kể nên cần phải xử lý nghiêm để giáo dục, răn đe.
Trong vụ án này bị cáo Hạnh là người có vai trò chính, chủ mưu, cầm đầu nên cần có mức án nặng nhất về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí và Đưa hối lộ nên phải chịu mức án nặng hơn các bị cáo khác.
Đối với nhóm tội này, VKS xác định có nhiều bị cáo là người làm công ăn lương, vai trò không đáng kể nên xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Theo đại diện VKS bị cáo Đỗ Thắng Hải và Nguyễn Lộc An (cựu phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương) từng bị kết án nhưng đã được xóa án tích còn những bị cáo còn lại có nhân thân tốt nên giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Lê Đức Thọ, Đỗ Thắng Hải đã nộp lại tiền thu lợi bất chính, gia đình có công với cách mạng, có nhiều đóng góp cho xã hội, được nhiều tổ chức, cá nhân có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Bên cạnh đó, VKS cũng ghi nhận cho các bị cáo khác một số tình tiết giảm nhẹ như khắc phục hậu quả, gia đình có công với cách mạng.
Mức đề nghị chi tiết mỗi bị cáo:
Tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí và Đưa hối lộ
1. Mai Thị Hồng Hạnh (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Xuyên Việt Oil) 30 năm tù.
Tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí
1. Nguyễn Thị Như Phương (Phó giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil) 6-7 năm tù.
Tội Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi
1. Lê Đức Thọ (cựu Bí thư tỉnh Bến Tre) 28-29 năm tù.
1. Trần Duy Đông (cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương) 7-8 năm tù.
2. Hoàng Anh Tuấn (cựu phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương) 7-8 năm tù.
3. Lê Duy Minh (cựu Cục trưởng Cục Thuế TPHCM) 6-7 năm tù.
4. Phan Kiến Anh (cựu Giám đốc chi nhánh lọc dầu Nghi Sơn) 4-5 năm tù.
5. Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương) 3-4 năm tù.
6. Nguyễn Lộc An (cựu phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương) 4-5 năm tù.
7. Đặng Công Khôi (cựu phó cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Công Thương) 2-3 năm tù.
1. Nguyễn Văn Thắng (Phó Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil chi nhánh Hà Nội) 4-5 năm tù.
2. Đồng Xuân Dũng (lái xe của bà Hạnh) 30-36 tháng tù.
3. Vũ Trung Thành (cựu Giám đốc Vietinbank chi nhánh Thanh Xuân) 30-36 tháng tù treo.
4. Đinh Tiến Dũng (kế toán trưởng Công ty Xuyên Việt Oil) 18-24 tháng tù treo.
5. Nguyễn Tấn Long (trưởng phòng kinh doanh Xuyên Việt Oil) 18-24 tháng tù treo.
Vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố 15 người trong vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil. Trong lý lịch các bị can, cơ quan công tố thông tin, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải từng bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt 3 năm tù, nhưng cho hưởng án treo (thử thách trong 4 năm) về tội "Đầu cơ". Sau đó, ông Hải đã được xóa án tích.
Liên quan tới vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil, cơ quan công tố cáo buộc bị can Đỗ Thắng Hải đã nhận hối lộ hơn 1,1 tỷ đồng của doanh nghiệp, sau khi cấp giấy phép kinh doanh. Trong vụ án, còn có bị can Nguyễn Lộc An (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công thương) bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” hơn 920 triệu đồng.
Theo lý lịch tư pháp bị can, hồ sơ tố tụng cho thấy năm 1988, bị can Đỗ Thắng Hải bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt 3 năm cho hưởng án treo (thử thách trong 4 năm) về tội "Đầu cơ", quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự 1985. Sau đó, người này đã được xóa án tích. Trước khi được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Công thương, bị can Hải từng giữ các chức vụ: Giám đốc Trung tâm giao dịch quốc tế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI); Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Thương mại cũ. Sau đó, ông Đỗ Thắng Hải làm Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) rồi Cục trưởng của đơn vị này.
Lý lịch tư pháp của bị can Nguyễn Lộc An cho thấy, năm 2002, người này bị Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn tuyên phạt 3 năm tù, nhưng cho hưởng án treo về tội “Trốn thuế”. Tại phiên xử phúc thẩm sau đó, bị can An lĩnh mức án 3 năm tù, hiện đã được xóa án tích.
Trở lại vụ án Công ty Xuyên Việt Oil, cáo trạng xác định, bị can Đỗ Thắng Hải từng có thẩm quyền ký cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho các thương nhân đầu mối và trực tiếp phụ trách. Giữa tháng 6-2021, để xin cấp lại phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho Công ty Xuyên Việt Oil (do đã hết hạn), Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh đã liên hệ nhờ bị can Đỗ Thắng Hải giúp đỡ, tạo điều kiện.
Bị can Hải sau đó chỉ đạo bị can Hoàng Anh Tuấn (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước của Bộ Công thương) xem xét, tạo điều kiện sớm cấp giấy phép cho Công ty Xuyên Việt Oil. Từ đề xuất của bị can Hoàng Anh Tuấn, bị can Đỗ Thắng Hải đã ký cấp giấy phép cho Công ty Xuyên Việt Oil. Sau khi ký cấp giấy phép trên cho Công ty Xuyên Việt Oil, bị can Đỗ Thắng Hải nhận hối lộ 50.000 USD (tương đương 1,139 tỷ đồng) của bị can Mai Thị Hồng Hạnh tại phòng làm việc. Quá trình điều tra, bị can Hải đã tự nguyện nộp lại 730 triệu đồng.
Đối với bị can Nguyễn Lộc An, sau khi giúp Công ty Xuyên Việt Oil được cấp giấy phép trở lại, bị can An được Mai Thị Hồng Hạnh tặng chiếc đồng hồ hiệu Patek Philippe, sau đó An bán để lấy 23.000 USD. Bị can Mai Thị Hồng Hạnh còn 4 lần đưa hối lộ cho Nguyễn Lộc An với tổng số tiền và tài sản trị giá hơn 921 triệu đồng.